Nhà Vi Bằng là gì? Cần lưu ý điều gì trước khi mua nhà Vi Bằng?
Nhà Vi Bằng là gì?
Theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.
Do đó mua nhà vi bằng là giao dịch mua bán giữa người mua và người bán. Tuy nhiên giao dịch này không phải công chứng như mua bán nhà đất sổ hồng riêng tại văn phòng công chứng mà được diễn ra tại văn phòng thừa phát lại và được nhân viên thừa phát lại làm chứng.
Về giá trị pháp lý, vi bằng không thay thế văn bản công chứng, chứng thực. Vi bằng chỉ là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vi bằng chỉ được coi là hợp lệ khi được đăng ký tại Sở Tư pháp.
Đồng thời, theo điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này.
Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp làm chứng
Mua nhà Vi Bằng cần lưu ý điều gì?
Vì không có giá trị pháp lý như công chứng sổ hồng riêng, nền nhà Vi Bằng thường có giá rẻ hơn rất nhiều so với nhà có sổ hồng riêng. Nhiều trường hợp cùng là một ngôi nhà, nếu giao dịch mua bán theo hình thức lập vi bằng thì giá chỉ khoản 1 tỷ đồng, nhưng sau khi ngôi nhà đó ra được sổ hồng riêng thì giá trị ngôi nhà lại lên tới hơn 2 tỷ đồng.
Chính vì vậy mà không ít người có tài chính hạn hẹp nhưng vẫn khao khát sở hữu cho riêng mình một ngôi nhà, họ đã xem nhà vi bằng như một sự lựa chọn tối ưu nhất. Tuy nhiên, mua nhà vi bằng cần lưu ý điều gì để tránh được rủi ro cho mình thì không phải ai cũng biết.
Theo các chuyên gia, trước khi mua nhà vi bằng, người mua cần tìm hiểu rõ nguồn gốc căn nhà, có thể hỏi thông tin trực tiếp từ ủy ban phường/xã, dò hỏi hàng xóm ở gần hoặc tra số điện thoại của người bán để tìm hiểu xem căn nhà đó có vấn đề gì hay không, nếu mọi thứ ổn thì người mua có thể yên tâm giao dịch.
Ngoài ra, người mua cần lưu ý: Chúng ta có thể thực hiện lập vi bằng khi mua bán nhà đất nhưng đồng thời vẫn phải đi công chứng giao dịch mua bán của mình để có cơ sở pháp lý vững chắc cho việc cấp hoặc đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau này.
- Kinh nghiệm mua đất nền dự án ai cũng nên biết
- Làm sao để biết đất có đang tranh chấp hay không?
- Mẫu viết tay mua bán nhà đất mới nhất năm 2022
- Lợi và hại khi mua nhà chung cư
- Mua nhà cũ và những kinh nghiệm quý hơn vàng
Thanh Duy - Trúc Phượng